Nhiều người đang bán bất động sản nông nghiệp ở TPHCM với giá giảm mạnh để mong sớm thoát hàng.
Ôm bất động sản nông nghiệp như ngồi trên đống lửa
Thời điểm cuối năm 2022, chị Nguyễn Thị Lý (ngụ Quận 3, TPHCM) cùng với một người bạn mua chung một khu đất nông nghiệp rộng hơn 5.000m2. Khu đất nông nghiệp này nằm ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh có 700m2 đất thổ cư với giá mua 55 tỉ đồng.
Chị Lý và bạn mua chung, dự tính sau khi mua khu đất này sẽ làm thủ tục chuyển đổi lên đất thổ cư và tách ra thành nhiều lô nhỏ với diện tích khoảng 50m2/lô để bán kiếm lời. Sau khi mua xong, thị trường bất động sản thời điểm này đang "đóng băng", nên chị Lý chưa đi làm thủ tục chuyển đổi lên thổ cư và tách thửa.
Thời gian qua, khi có tin bảng giá đất ở TPHCM sẽ điều chỉnh tăng từ 5 lần đến 50 lần, chị Lý vội liên hệ với nhiều môi giới để cần bán gấp lô đất trên với giá 50 tỉ đồng, chấp nhận lỗ 5 tỉ đồng để mong sớm thoát hàng.
"Dự thảo bảng giá đất mới công bố, dự kiến điều chỉnh tăng ở vùng ven ngoại thành từ 15 - 50 lần. Đất tại huyện Bình Chánh cũng tăng nhiều lần, khu đất tôi mua nằm trên tuyến đường dự kiến bảng giá đất tăng 30 lần. Từ khi nhận được thông tin dự kiến tăng bảng giá đất này, tôi như ngồi trên đống lửa, bởi nếu làm thủ tục chuyển đổi sang đất thổ cư thì số tiền phải đóng lên đến hàng chục tỉ đồng. Do vậy, tôi cần bán gấp khu đất này và chấp nhận lỗ nhiều tỉ đồng nhưng vẫn chưa bán được" - chị Lý nói.
Tranh thủ bán bất động sản nông nghiệp
Anh Nguyễn Văn Đức (ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) là môi giới chuyên chào bán đất nông nghiệp đã dẫn chúng tôi (trong vai khách mua đất) đi xem nhiều khu đất nông nghiệp được cho là đang cần bán gấp để thoát hàng.
Khu đất đầu tiên chúng tôi xem có diện tích rộng hơn 4.000m2 tại xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn có mặt tiền đường lớn chạy cập theo bờ sông, với chiều ngang rộng 80m và dài hơn 60m có giá bán 52 tỉ đồng.
"Giá này là đã giảm 3 tỉ đồng so với giá chào bán trước đây. Giờ nếu anh có thiện chí mua thì chủ nhà sẽ giảm thêm để mong sớm thoát hàng. Không riêng gì khu đất này, mà những khu đất nông nghiệp khác trong giỏ hàng của tôi đều được giảm giá sâu, bởi chủ đất muốn được bán nhanh. Từ ngày có thông tin về việc TPHCM sẽ tăng bảng giá đất để sát với giá thị trường, thì nhiều chủ khu đất nông nghiệp chào bán với giá lỗ so với giá mua nhưng rất ít khách hỏi mua" - anh Đức nói.
Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ ngày 1.8.2024) cho phép các địa phương được áp dụng bảng giá đất cũ đến ngày 31.12.2025. Sau đó, các địa phương sẽ áp dụng bảng giá đất mới từ ngày 1.1.2026. Bảng giá mới sẽ không bị khống chế bởi khung giá đất như trước đây và buộc xây dựng tiệm cận giá thị trường.
Trong khi các địa phương vẫn áp dụng bảng giá cũ, thì TPHCM sớm đề xuất áp dụng bảng giá đất điều chỉnh tăng rất cao so với bảng giá đất cũ, mức tăng nhiều nơi từ 10 - 30 lần, cá biệt có nơi tăng 50 lần.
Trước thông tin đề xuất này, không chỉ những nhà đầu tư mà ngay cả những hộ dân có đất nông nghiệp có nhu cầu chuyển đổi lên đất thổ cư để xây nhà ở cũng "sốt ruột", bởi số tiền để chuyển lên thổ cư nếu theo bảng giá đất dự kiến thì sẽ vượt quá khả năng chỉ trả của nhiều hộ gia đình.