Theo Bộ Xây dựng, số lượng doanh nghiệp bất động sản trở lại thị trường nửa đầu năm 2024 đang có sự hồi phục mạnh. Nhiều doanh nghiệp địa ốc có chiến lược phát triển quỹ đất để chuẩn bị cho thời điểm phục hồi.
Doanh nghiệp bất động sản trở lại hoạt động tăng hơn 11% so với năm 2023
Theo Bộ Xây dựng, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản trong nửa đầu năm 2024 đã có sự cải thiện hơn. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới là 2.210 doanh nghiệp (tăng 1,4%), số lượng quay trở lại hoạt động là 1.577 doanh nghiệp (tăng 11,4%) so với cùng kỳ năm 2023.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi còn chậm, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay đang có kế hoạch mở rộng quỹ đất để phát triển dự án. Trong đó, pháp lý, tính thanh khoản, tiền sử dụng đất… là những tiêu chí hàng đầu mà doanh nghiệp lựa chọn để đầu tư.
Thị trường gần đây ghi nhận một số dấu hiệu các doanh nghiệp bất động sản có những chiến lược phát triển quỹ đất để chuẩn bị cho thời điểm phục hồi của ngành bất động sản. Theo đó, doanh nghiệp nghiêm túc và tính toán kỹ hơn về phương án, tìm hiểu thị trường để làm sao các dự án đất sạch hoàn chỉnh về mặt pháp lý, nộp đầy đủ tiền sử dụng đất và có thể đưa vào khai thác trong các năm tới. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp cho thuê văn phòng và nghỉ cũng hướng đến các quỹ đất phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của mình trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, khi thị trường tốt lên, các chủ đầu tư, doanh nghiệp tự tin hơn với việc ra hàng. Cùng với đà phục của thị trường, các chủ thể tham gia thị trường sẽ bắt đầu tăng tốc gia nhập, xúc tiến các kế hoạch kinh doanh.
"Tuy nhiên, những quy định mới sẽ siết chặt hoạt động kinh doanh, môi giới bất động sản. Thời gian tới, với "sân chơi" mới sẽ chỉ còn "chỗ đứng" cho các chủ đầu tư làm ăn bài bản, có nguồn lực mạnh, có năng lực để phát triển các dự án đô thị có quy mô lớn, hạ tầng, tiện ích đồng bộ", ông Đính nhận định.
Dòng vốn tín dụng "đổ" vào bất động sản tăng mạnh
Dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 31/5 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt gần 319 nghìn tỷ đồng. Chiếm số lượng lớn nhất là dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác, đạt hơn 424 nghìn tỷ đồng.
Riêng trong tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng đã đạt 3,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của 5 tháng đầu năm cộng lại. Ngành ngân hàng hoàn thành ngoạn mục chỉ tiêu Chính phủ giao.
Tuy nhiên, một trong những lĩnh vực cho vay chính của tăng trưởng tín dụng là bất động sản thời gian qua giảm mạnh, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân đều chậm lại, mặc dù giá nhà đang ở mức cao nhưng giao dịch thực tế không nhiều. Nguyên nhân được cho là giá nhà đang chênh lệch lớn so với thu nhập của người dân, xu hướng này vẫn duy trì do kinh tế khó khăn và thu nhập chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế vĩ mô và bám sát chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc triển khai, thực hiện và chấp hành chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Ngoài ra, tính đến ngày 20/06/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã thực hiện giải ngân ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Bộ Xây dựng đánh giá, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia như Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng các Luật Đất đai, Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã có hiệu lực sẽ làm thị trường bất động sản của Việt Nam phát triển ổn định trong thời gian tới.