Luật Nhà ở 2023 cho phép chủ đầu tư nhà ở xã hội được miễn các thủ tục xác định giá, tiền sử dụng, thuê đất, giúp gỡ vướng mắc cho các dự án phân khúc này.
Nhận định được ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lê Thành nêu tại chương trình Cà phê doanh nhân "Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và sự thích ứng của doanh nghiệp", ngày 8/6.
Hiện, chủ đầu tư muốn làm dự án nhà ở xã hội phải thực hiện các thủ tục liên quan tới xác định giá đất, tiền sử dụng, thuê đất để làm hồ sơ xin miễn các loại tiền này. Đây là điểm khiến nhiều chủ đầu tư gặp vướng mắc lâu nay, bởi thủ tục xin miễn tiền thuê, sử dụng đất thường kéo dài.
Ông Lê Hữu Nghĩa dẫn chứng dự án nhà ở xã hội do Công ty Lê Thành thi công, bàn giao xong cho người mua. Họ nộp đơn xin được miễn tiền sử dụng đất, nhưng từ 2019 đến nay công ty vẫn chưa nhận được quyết định, do chưa hoàn thành việc tính tiền sử dụng đất.
Tại Luật Nhà ở 2023 dự kiến hiệu lực từ đầu tháng 8 (sớm hơn 5 tháng so với quy định), nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội không phải thực hiện các thủ tục trên.
"Luật mới ban hành đưa ra quy định miễn các thủ tục xác định giá, tiền sử dụng và thuê đất ngay từ đầu, đó là điểm cực mạnh, giúp gỡ vướng cho chủ đầu tư", ông Nghĩa nói.
Đồng tình, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng Luật Nhà ở (sửa đổi) đưa ra các điều kiện nới lỏng hơn với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội.
Ở khía cạnh người mua, theo ông Lực, họ cần có thu nhập 15 triệu đồng một tháng (cao hơn 4 triệu đồng so với quy định hiện nay) và chưa sở hữu bất động sản tại tỉnh, thành phố nơi có dự án, sẽ được nhận hỗ trợ vay mua, thuê nhà ở xã hội.
"Hai điều kiện liên quan là xác định về thu nhập, xác định về nơi cư trú bây giờ cũng thoáng hơn trước rất nhiều. Đây là những điểm rất quan trọng", ông Lực nêu.
Còn với doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực cho rằng bên cạnh các quy định mới tại luật, việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản loại này còn phụ thuộc thẩm quyền của địa phương.
Ông ví dụ, cùng là đô thị lớn, cơ chế đặc thù tương đương nhau, nhưng Hà Nội tháo gỡ được gần 45% tổng số các dự án bất động sản gặp khó, trong khi con số này tại TP HCM ít hơn. Ông Lực kiến nghị các địa phương rà soát, đánh giá sát nhu cầu về nhà ở xã hội để phát triển các dự án phân khúc này, "chứ không phát triển, đầu tư theo phong trào".
Chẳng hạn, địa phương nào có nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao - những nơi tập trung đông công nhận, người lao động thu nhập thấp, trung bình sinh sống - mới cần đầu tư nhiều dự án nhà ở xã hội. Hiện, bắt đầu xuất hiện tình trạng "chỗ thừa, nơi thiếu nhà ở xã hội".
Ông Lê Hữu Nghĩa đánh giá quy định tại các luật mới gồm Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản sẽ tạo "hiệu ứng domino", giải quyết những vướng mắc lâu nay của các dự án địa ốc.
Cùng đó, việc chú trọng đầu tư dự án phân khúc nhà ở trung bình, như nhà ở xã hội, ông nói sẽ giúp thị trường địa ốc hồi phục vào 2026. Hiện, Công ty Lê Thành của CEO Lê Hữu Nghĩa đang đầu tư 3.000 căn nhà ở xã hội, để tung ra thị trường, đón "sóng" địa ốc hồi phục.
Dù vậy, TS Cấn Văn Lực lưu ý chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cần xác định rõ, làm nhà ở xã hội để cho thuê, bán hay cả hai loại hình này. Cùng đó, nhà đầu tư cần phát triển hệ sinh thái cho phân khúc nhà ở này, tức phát triển đồng bộ hạ tầng bệnh viện, trường học, chợ... Điều này tránh tình trạng "đồng không mông quạnh", dự án xong nhưng không ai về ở.
Hiện cả nước có 503 dự án nhà xã hội đang triển khai, tăng 4 dự án so với cách đây hai tháng. Trong đó, 75 dự án hoàn thành với gần 40.000 căn, tăng ba dự án với hơn 1.700 căn so với hai tháng trước.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương còn hạn chế. Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ triển khai thấp so với mục tiêu đề án có 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2030, như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An.
Bình Nghi