5 lỗi sai để lại hậu quả khi xây nhà

Các lỗi sai trong quá trình thiết kế và thi công sàn mái, cột, hầm tự hoại... có thể dẫn đến tình trạng nứt, hư hỏng hay sụp đổ công trình.

Thiết kế và thi công sàn mái bê tông

Lỗi sai lớn nhất là tính toán tải trọng sàn mái bê tông. Nhiều người vẫn quan niệm sàn mái là nơi chịu tải ít, nên khi thiết kế độ dày bê tông mỏng và sắt đi thưa. Bên cạnh đó, quá trình thi công - bảo dưỡng không đúng kỹ thuật cũng khiến sàn mái không đạt chất lượng tốt, nứt nhiều.

Hậu quả là sàn mái dễ bị nứt, thấm nước, gây ẩm mốc và hư hỏng cấu trúc. Điều này dẫn đến chi phí sửa chữa cao, ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như tuổi thọ của công trình. Nếu thi công không tốt thì chống thấm cũng không hiệu quả.

Về phương án khắc phục, ngoài tính toán tải trọng, KTS và đơn vị thi công cần chú ý thêm yếu tố ổn định chuyển vị (độ võng, lún theo chiều ngang hoặc dọc so với vị trí ban đầu) của sàn mái để giúp hạn chế nứt, mái bị thấm về sau.

Công tác bơm bê tông dầm sàn tầng mái. Ảnh: Butecco
Công tác bơm bê tông dầm sàn tầng mái. Ảnh: Butecco

Đổ cột thủ công với mác bê tông thấp

Do quan niệm "cột là kết cấu thi công đơn giản", nên nhiều người không chú trọng chất lượng của cột, đóng cốt pha sơ sài, trộn bê tông qua loa và làm phương pháp thủ công. Điều này dẫn đến mác bê tông (cường độ chịu nén, bền của bê tông) không đồng đều, cột không đạt mác cao (bê tông có cường độ từ 600kg/cm2 trở lên).

Với lỗi này, công trình không bền, dễ bị chuyển vị, gây nứt và lún. Điều này làm giảm tuổi thọ và độ an toàn, dẫn đến nguy cơ sụp đổ, tốn kém chi phí gia cố sau này.

Do đó, đội xây dựng cần thi công cột với tiêu chuẩn cao từ cốt pha đến bê tông. Chẳng hạn, cốt pha thi công kỹ càng, đổ bê tông thương phẩm mác cao có thể chịu áp lực lớn mà không bung cốt pha.

Thi công cột bằng bê tông thương phẩm mác cao. Ảnh: Butecco
Thi công cột bằng bê tông thương phẩm mác cao. Ảnh: Butecco

Xây hầm tự hoại bằng gạch và không làm móng tốt

Tại nhiều công trình nhà ở, thường có tình trạng xây hầm tự hoại bằng gạch và không làm móng kỹ. Hậu quả là hầm dễ bị lún và nứt, gây xì hầm, tắc nghẽn, mùi khó chịu và ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe người sử dụng.

Cách khắc phục là chủ nhà và đơn vị thi công có thể làm hầm tự hoại bằng bê tông cốt thép, cả móng và thành bao, giúp đảm bảo độ bền.

Hầm tự hoại bê tông cốt thép. Ảnh: Butecco
Hầm tự hoại bê tông cốt thép. Ảnh: Butecco

Thi công quá nhanh mà không chờ đủ thời gian kỹ thuật

Quá trình xây nhà thường có nhiều hạng mục khác nhau, như bê tông, xây tường, sơn, ốp lát gạch... Nhưng do muốn đẩy nhanh tiến độ, nhiều người thường quên thời gian chờ kỹ thuật - yếu tố giúp vật liệu và cấu trúc đạt được sự ổn định trước khi thực hiện bước tiếp theo.

Nếu không đảm bảo thời gian chờ này, ngôi nhà sẽ xuất hiện nhiều vấn đề như nứt tường, sàn thấm nước, bong tróc sơn... ảnh hưởng đến thẩm mỹ và an toàn. Vì thế, cần đảm bảo thi công đúng kỹ thuật cho mỗi hạng mục, tuân thủ quy trình và giám sát kiểm tra chất lượng.

Thi công không có thiết kế hoặc bản vẽ kém chất lượng

Nhiều người vẫn xem nhẹ hồ sơ thiết kế, dù biết rằng ngôi nhà là tài sản lớn. Bản vẽ thiết kế của ngôi nhà nếu không được đầu tư chỉn chu hoặc thực hiện bởi đơn vị có chuyên môn, sẽ khiến công trình phát sinh các hạng mục khi thi công, giảm chất lượng.

Hoặc, với các hồ sơ thiết kế cóp nhặt mỗi nơi một ít, công trình sẽ "thiết kế một đằng, thi công một nẻo". Vì thế, chủ nhà không nên xem nhẹ mức độ đầu tư cho thiết kế, nên tìm các đơn vị có kinh nghiệm, uy tín.

Nguyễn Anh Dũng
Giám đốc Công ty thiết kế thi công xây dựng Butecco