Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024, dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, có những nội dung thay đổi lớn liên quan đến tài chính về đất đai.
Bộ Tài chính được Chính phủ giao quy định chi tiết một số nội dung về tài chính đất đai, trong đó có nội dung về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Những nội dung nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến là nghĩa vụ tài chính tiền thuê đất, miễn, giảm tiền thuê đất...
Dự thảo Nghị định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được xây dựng dựa trên các nguyên tắc bám sát những nội dung tài chính về đất đai mà Luật Đất đai trực tiếp giao cho Chính phủ quy định hoặc hướng dẫn; tổng hợp vướng mắc trên thực tiễn trong thời gian vừa qua để quy định trong Nghị định, hướng dẫn bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Đất đai năm 2024 và quy định của pháp luật có liên quan đồng thời kế thừa những quy định của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013 đang thực hiện ổn định, phù hợp.
Liên quan đến vấn đề thời điểm phát sinh nghĩa vụ tài chính tiền thuê đất, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, dự thảo quy định theo hướng tiền thuê đất phát sinh từ thời điểm có quyết định cho thuê đất, Luật Đất đai 2024 cũng quy định theo hướng doanh nghiệp phải nộp tiền trước thì mới được thuê đất. Theo VCCI, trên thực tế phát sinh trường hợp doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất nhưng cơ quan Nhà nước chậm triển khai công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến việc bàn giao đất trên thực địa chậm, thậm chí có trường hợp chậm nhiều năm. Trong những trường hợp đó, doanh nghiệp vẫn phải chịu nghĩa vụ tiền thuê đất nhưng không có đất để sử dụng. Nhiều doanh nghiệp gặp vấn đề này cho biết họ chịu thiệt hại lớn từ sự chậm trễ giao đất sạch của phía Nhà nước nhưng vẫn phải nộp tiền cho việc này.
Do đó, góp ý cho quy định này, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng doanh nghiệp nộp tiền thuê đất tạm tính trước khi được thuê đất. Nếu việc giải phóng mặt bằng, bàn giao đất trên thực tế diễn ra đúng dự kiến thì không cần điều chỉnh tiền thuê đất. Trong trường hợp việc bàn giao đất trên thực địa diễn ra chậm hơn dự kiến thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước thực hiện việc tính toán lại tiền thuê đất nhằm giảm phần nghĩa vụ tương ứng với khoảng thời gian chậm bàn giao. Phần giảm nghĩa vụ này sẽ được quyết toán, khấu trừ vào tiền thuê đất nộp những lần sau đó hoặc các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước.
Quy định miễn, giảm tiền thuê đất, là một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo. Theo đại diện Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, tại Điều 39, Điều 40 dự thảo quy định miễn tiền thuê đất là cho phép người sử dụng đất không phải nộp tiền thuê đất cho cả thời gian thuê; giảm tiền thuê đất là cho phép người sử dụng đất không phải nộp một số tiền cụ thể tính bằng tỷ lệ (%) tiền thuê đất phải nộp. Dự thảo cũng thiết kế các mức giảm tiền thuê đất theo lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật, cơ bản tương đồng với mức quy định hiện hành.
Cùng với đó, dự thảo quy định chung về các mức ưu đãi miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư chứ không xây dựng ưu đãi riêng. Về trình tự, thủ tục miễn, giảm, để đảm bảo giám sát thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đúng đối tượng, tránh thất thu ngân sách nhà nước, đảm bảo hiệu quả của chính sách ưu đãi của Nhà nước, dự thảo quy định việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được ghi trong quyết định cho thuê đất.
Góp ý về nguyên tắc thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất, Sở Tư pháp Bình Định đề nghị đưa ra phương án quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng đất trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp người trúng đấu giá thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Trong đó, cần quy định mức miễn, giảm cụ thể để áp dụng chung cho các đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, vừa đảm bảo quyền được miễn, giảm tiền sử dụng đất của các đối tượng được miễn, giảm, vừa đảm bảo sự công bằng trong thực hiện chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất của Nhà nước.
Góp ý cho nội dung tính tiền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch chi tiết, Sở Tư pháp Bình Định đề xuất chọn phương án 1 tại dự thảo, theo đó, “Khi có quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì tiền sử dụng đất được tính lại đối với toàn bộ dự án theo quy hoạch chi tiết mới theo quy định của pháp luật tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết…”. Bởi việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết sẽ làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất, vị trí từng loại đất, hệ số sử dụng đất nên phải tính lại tiền sử dụng đất đối với toàn bộ dự án theo quy hoạch chi tiết mới theo quy định của pháp luật tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết để đảm bảo sự công bằng trong sử dụng đất, hạn chế sự lạm dụng điều chỉnh quy hoạch chi tiết và nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư khi lập quy hoạch chi tiết dự án.