“Ông lớn” Hàn Quốc đã rót hơn 4 tỉ USD vào Việt Nam nhắm khu vực này của TP.HCM để đầu tư một dự án đặc biệt

Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đã đầu tư hơn 4 tỉ USD vào nhiều dự án công nghiệp ở Việt Nam. HIện nay, tập đoàn này đang có nhu cầu đầu tư một trung tâm dữ liệu (data) lớn ở khu công nghệ cao TP.HCM.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp lãnh đạo Tập đoàn Hyosung chiều ngày 10/5 (Ảnh CTTĐT CP)

Chiều 10/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã tiếp ông Lee Sang Woon, Phó Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), theo CTTĐT Chính Phủ.

Được biết, Tập đoàn Hyosung là đối tác FDI Hàn Quốc lớn thứ 3 đầu tư vào Việt Nam sau Samsung và LG. Từ năm 2007 đến nay, Tập đoàn đã đầu tư hơn 4 tỉ USD vào Việt Nam, với các lĩnh vực chính như: Công nghiệp nguyên vật liệu, công nghiệp dệt, công nghiệp hóa học, hệ thống điện công nghiệp.

Gần đây nhất, Tập đoàn đã đầu tư dự án nhà máy sợi carbon và đang tập trung vào lĩnh vực vật liệu tiên tiến, tạo ra vật liệu thân thiện với môi trường, sản xuất sản phẩm sinh học bio-BDO với tổng mức vốn đầu tư 730 triệu USD tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là nhà máy hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Theo ông Lee Sang Woon, Hyosung đang đứng thứ 3 thế giới về sản xuất máy ATM, Tập đoàn mong muốn đầu tư nhà máy sản xuất máy ATM made in Việt Nam và mong nhận được sự hỗ trợ về vấn đề này. Ngoài ra, Tập đoàn cũng có nhu cầu đầu tư một trung tâm dữ liệu (data) lớn ở khu công nghệ cao TP.HCM.

Hiện nay, Việt Nam được đánh là một trong 10 trung tâm dữ liệu mới nổi của thế giới. Cả nước hiện có 32 trung tâm dữ liệu thương mại vừa và nhỏ. Sau hơn 20 thành lập, SHTP hiện quy tụ nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao trong nước và thế giới.

Một góc khu công nghệ cao TP.HCM nới Tập đoàn Hoysung muốn đầu tư trung tâm dữ liệu lớn

Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) nơi Hoysung muốn đầu tư trung tâm dữ liệu lớn đang là khu tập trung thu hút các doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế.

Theo một báo cáo, đến tháng 5/2023, SHTP đã thu hút được 160 dự án, trong đó 70 dự án sản xuất CNC; 19 dự án dịch vụ CNC; 19 dự án nghiên cứu triển khai (R&D); 09 dự án đào tạo, ươm tạo; 23 dự án công nghiệp hỗ trợ CNC; 09 dự án thương mại, dịch vụ; 11 dự án phát triển hạ tầng.

Trong 51 dự án FDI, có các tập đoàn CNC nổi tiếng thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia),....

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 10,106 tỉ USD/51 dự án (bình quân vốn đầu tư 198 triệu USD/01 dự án) và tổng vốn đầu tư trong nước tương đương 1,974 tỉ USD/109 dự án (bình quân vốn đầu tư 18,1 triệu USD/01 dự án)...

Một nhà máy của Hoysung tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả của Tập đoàn trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại, công nghệ thông tin… qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, coi trọng việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn đầu tư kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững.

Đồng thời, mong Tập đoàn tìm hiểu kỹ hơn, tiếp tục đầu tư những lĩnh vực mà Tập đoàn có ưu thế.

Ngày 9/5, tại cuộc gặp với Thủ Tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo Tập đoàn Samsung cho biết, dự kiến doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm khoảng 1 tỉ USD mỗi năm tại Việt Nam.

Cụ thể, ông ông Park Hark Kyu, Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Samsung đánh giá môi trường kinh doanh liên tục cải thiện, nên Samsung sẽ nâng số doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng và tăng hợp tác đào tạo nhân lực.

Từ năm 2014 đến nay, doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của tập đoàn này tăng 12 lần, từ con số 25 ban đầu lên 309 công ty hiện tại.

Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam, hiện đang đầu tư ở 19/21 ngành kinh tế và 59/63 tỉnh, thành phố với 9.957 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 87 tỉ USD.

Phong Vân