Chính phủ yêu cầu TP.HCM tập trung phát triển hàng loạt dự án hạ tầng chiến lược

Chính phủ yêu cầu TP.HCM ưu tiên phát triển các tuyến đường sắt đô thị hiện đại kết nối trung tâm với khu đô thị vệ tinh, với sân bay Long Thành, với Biên Hoà, Bình Dương; chú trọng phát triển mô hình TOD gắn với giải quyết ùn tắc giao thông, úng ngập và ô nhiễm môi trườ

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thường trực Chính phủ về đồ án quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050.

TP.HCM chú trọng các dự án hạ tầng chiến lược

Theo đó, Chính phủ yêu cầu trong quy hoạch, TP.HCM cần định hướng kiến tạo phát triển, có tính mở; tư tưởng hiện đại, có tầm nhìn chiến lược, đổi mới sáng tạo; đột phá về cơ chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực.

Chính phủ yêu cầu TP.HCM tập trung phát triển hàng loạt dự án hạ tầng chiến lược- Ảnh 1.

TP.HCM được yêu cầu chú trọng các dự án công trình giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng, xây dựng theo phương thức TOD, mô hình phát triển xanh làng trong phố, phố trong làng..

Chính phủ yêu cầu địa phương này không cầu toàn, nóng vội; quy hoạch theo lộ trình. Tận dụng tối đa các cơ hội, hóa giải những thách thức (thể chế, sập lún, ngập lụt, ùn tắc giao thông).

Đặc biệt, Thường trực Chính phủ nêu rõ TP.HCM xác định rõ điểm nghẽn, nguyên nhân dẫn đến hạn chế sự phát triển trong thời gian qua để có giải pháp phù hợp, triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ xác định tại Quy hoạch Thành phố.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch và phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trên địa bàn Thành phố; xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư và triển khai các dự án của Thành phố theo thứ tự ưu tiên trên địa bàn.

Quy hoạch đảm bảo tính chiến lược, lâu dài, toàn diện; định hướng phân bổ nguồn lực phân kỳ đầu tư, ưu tiên trọng tâm trọng điểm, xác định dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển của Thành phố.

Khai thác tối đa không gian ngầm; không gian nước; ưu tiên vị trí không gian có tiềm năng, hiệu quả để quy hoạch phát triển dịch vụ, du lịch, sản xuất kinh doanh; thúc đẩy công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí. Tận dụng xu hướng phát triển xanh, thông minh, hiện đại để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nguồn lực chất lượng cao.

Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh việc triển khai Đề án hình thành Trung tâm tài chính quốc tế; đề án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghiệp.

Về phát triển đô thị, bảo đảm đô thị hóa gắn với thúc đẩy phát triển nông thôn; nghiên cứu mô hình, cấu trúc phát triển "làng trong phố, phố trong làng" phù hợp với giai đoạn phát triển xanh và các huyện ngoại thành.

Về phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương này tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; nghiên cứu kỹ việc quy hoạch sông Sài Gòn để phát triển du lịch xanh kết hợp đảm bảo an ninh nguồn nước; chú trọng thu hút các dự án đầu tư bảo đảm đầy đủ cả ba yếu tố: công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về phương án phát triển kết cấu hạ tầng, Chính phủ nêu quan điểm TP.HCM chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối thông suốt nội thành, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế.

Chú trọng gắn kết giữa phát triển hạ tầng giao thông với hạ tầng thủy lợi, hạ tầng phòng, chống lũ lụt, thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng hiệu quả không gian ngầm.

Chính phủ ưu tiên phát triển các tuyến đường sắt đô thị hiện đại kết nối các trung tâm tổng hợp, các đô thị vệ tinh; chú trọng phát triển các tuyến đường giao thông kết nối với sân bay Long Thành, Biên Hòa, Bình Dương; phát triển hạ tầng số. Giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông, ngập úng, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí.

TP.HCM cần đẩy mạnh, tăng cường nguồn lực từ hợp tác công tư, xã hội hóa; tập trung khai thác các nguồn lực đất đai, tài nguyên, con người, lấy con người làm chủ thể trung tâm để phát triển.